Khởi nghiệp từ nguồn dược liệu núi rừng

Là người con dân tộc Cadong nơi đỉnh Ngọc Linh (Nam Trà My) hùng vĩ, chị Hồ Thị Mười (35 tuổi) luôn nổ lực trong cuộc sống, học tập. Sau khi tốt nghiệp ngành nông nghiệp, chị trở về địa phương công tác tại Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp. Bằng kinh nghiệm tích lũy được từ thực tiễn công tác tại cộng đồng mình, chị Mười nhận thấy thiên nhiên ưu đãi con người nơi đây nguồn tài nguyên dược liệu dồi dào. Chị bắt đầu thu gom mua bán lại các sản phẩm thô của người dân bản địa. Ý tưởng khởi nghiệp của chị manh nha từ đó.

Chị Mười tâm sự: “Năm 2019 trở về trước, huyện Nam Trà My chưa hình thành nhiều cơ sở kinh doanh, buôn bán các mặt hàng nông sản, dược liệu, sâm Ngọc Linh như bây giờ. Hầu hết các hộ buôn bán nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu người dân trong huyện. Nhận thấy các loại dược liệu tự nhiên tốt cho sức khỏe, tôi quyết định mở rộng kinh doanh và quảng bá các mặt hàng dược liệu địa phương đến khắp mọi miền. Để có vốn kinh doanh, tôi vay ngân hàng 100 triệu đồng để chế biến các sản phẩm như cao sâm nam, rượu sâm Ngọc Linh, rượu sâm nam, rượu sâm các loại từ dược liệu và các dòng trà thô như giảo cổ lam, chè dây, rau má,… giúp người tiêu dùng dể dàng lựa chọn các sản phẩm phù hợp làm quà cho người dân”.

Sau thời gian buôn bán thuận lợi, năm 2013, chị Mười mạnh dạn đăng ký kinh doanh, lấy tên là cơ sở sản xuất Mười Cường. Tận dụng nhà ở, cải tạo lại thành cơ sở kinh doanh, vừa buôn bán, chị vừa đi đến tận các bản làng để lựa chọn, thu mua nguyên liệu thô đúng tiêu chuẩn, lấy chất lượng làm uy tín, nâng cấp bao bì sản phẩm,…

Việc quảng bá sản phẩm được chị Mười chú trọng thông qua việc tham gia hội chợ ở các huyện trong tỉnh. Càng ngày càng vươn xa hơn, chị tham gia các hoạt động thương mại ở các địa phương trong nước, đi nước ngoài,… Tăng cường quảng bá bằng cách đăng bán online qua facebook, zalo,… Cứ thế, ngày càng nhiều khách hàng biết đến và tin dùng sản phẩm của chị.

Với mong muốn mở rộng thêm hoạt động kinh doanh, chị Mười vay thêm 400 triệu đồng, đầu tư mua máy sấy, máy đóng gói, máy hút chân không, máy thái lát dược liệu và dụng cụ in ấn bao bì nhãn mác. Số vốn còn lại, chị dành để thu mua nguyên liệu từ người dân. “Lúc đầu khi đầu tư, tôi khá lo lắng, vì vốn nhiều, mà số lượng bán ra không đáng kể. Nhưng với khí hậu mưa nắng thất thường của miền núi, sản phẩm dể ẩm mốc, hư hỏng, không để được lâu nên tôi quyết tâm mua máy móc chế biến, bảo quản để các mặt hàng luôn đảm bảo chất lượng khi đến tay khách hàng” – chị Mười chia sẻ thêm.

Tháng 12/2018, chị tham gia dự thi chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”, “Trà giảo cổ lam” của chị đã đạt danh hiệu sản phẩm 3 sao cấp tỉnh, cơ sở sản xuất dược liệu Mười Cường được công nhận ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh năm 2019. Càng vinh dự hơn khi chị Mười được tỉnh bầu chọn là cá nhân tiêu biểu dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc.

Hằng năm, trừ các khoản chi phí, thu nhập của gia đình chị Mười đạt trên 1 tỷ đồng. Chị lại đem số tiền lãi đó tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Cuối năm 2019, chị thành lập Hợp tác xã cộng đồng dược liệu Sâm Ngọc Linh Mười Cường. “Hiện tại, tôi đang xây dựng một số dự án cùng cộng đồng phát triển; lấy những họ khó khăn nhất cùng tham gia là thành viên hợp tác xã, hoạt động trên tinh thần tất cả thành viên tự bỏ công sức vào làm thay vì góp vốn. Hi vọng phương án này sẽ giúp các hộ khó khăn vươn lên trong cuộc sống và thoát nghèo bền vững” – chị Mười tâm sự.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Trà My Vũ Thị Như Thuyên nhận xét: “Chị Mười là gương điển hình của phụ nữ huyện Nam Trà My trong nhiều phong trào thi đua. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị còn vận động hội viên trong chi hội cùng xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả; giúp đỡ những hội viên khó khăn về vốn để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng. Chị luôn tích cực tham gia các hoạt động do Hội phụ nữ xã, huyện tổ chức, tích cực ủng hộ các phong trào quyên góp ở địa phương. Chị xứng đáng là tấm gương để chị em hội viên phụ nữ noi theo”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *